Lượt xem: 336

Chuyển đổi số trong ngành Bảo hiểm xã hội

Với nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phủ toàn hệ thống, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Sóc Trăng đang chuyển đổi số mạnh mẽ để phục vụ người dân, doanh nghiệp hiệu quả khi tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

 


Giao diện dịch vụ công điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam

 

    Thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia, các đề án, kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh Sóc Trăng cùng với các cơ quan, đơn vị, địa phương, BHXH tỉnh là đơn vị có những bước chuyển mạnh mẽ trong thực hiện chiến lược chuyển đổi số, ngày càng đáp ứng tốt hơn mục tiêu phục vụ doanh nghiệp, người lao động và nhân dân. Hiện nay, BHXH tỉnh đang áp dụng các hệ thống phần mềm vào tất cả các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của ngành; từ đó, hầu hết các thủ tục hành chính của ngành đều được thực hiện trên không gian số. Ngành BHXH đã cung cấp 100% dịch vụ công (DVC) mức độ 4, mức cao nhất, thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng trên cổng DVC của ngành và đang từng bước tích hợp, cung cấp trên Cổng DVC Quốc gia. Đáng chú ý, BHXH cũng đã kết nối thành công với Cơ sở dữ liệu quốc gia, trong đó có lĩnh vực cấp mã số BHXH và quản lý BHYT hộ gia đình, cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; lĩnh vực khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT, dữ liệu người nộp thuế,…

    Cùng với triển khai ứng dụng đồng bộ các phần mềm nghiệp vụ trên tất cả các lĩnh vực công tác của ngành, toàn ngành đang tích cực thực hiện Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (gọi tắt là Đề án 06) một cách khẩn trương, quyết liệt, góp phần nâng cao hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp. BHXH tỉnh đã triển khai quy trình tích hợp tính giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình; liên thông “đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi”; liên thông “đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hỗ trợ chi phí mai táng phí, hưởng mai táng phí” và giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp trên Cổng DVC Quốc gia...

    Bộ phận một cửa BHXH tại Trung tâm Hành chính công tỉnh và các huyện, thị, thành phố, các giao dịch trước đây thường phải thực hiện trực tiếp thì nay đã được thực hiện bằng hình thức online, giao dịch điện tử. Theo đó, các đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia BHXH hoàn toàn chủ động về thời gian nộp hồ sơ, có thể nộp hồ sơ 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết.  Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc giải quyết các thủ tục BHXH thông qua phương thức giao dịch điện tử, mà không phải trực tiếp đến cơ quan BHXH.

    Tính đến ngày 30/9/2022, toàn tỉnh có 2.319/2.386 đơn vị sử dụng lao động thực hiện giao dịch điện tử đạt 97%. Đối với việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh (KCB) BHYT, toàn tỉnh đã có 100% cơ sở  KCB BHYT gửi dữ liệu đề nghị thanh toán thông qua hệ thống thông tin giám định BHYT, cơ sở khám, chữa bệnh không gửi hồ sơ giấy.

    Ông Nguyễn Thanh Quang - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Khang An cho biết: Trước đây, mỗi lần giải quyết các thủ tục liên quan đến chế độ, chính sách BHXH, BHYT, cán bộ hành chính của công ty phải trực tiếp đến cơ quan BHXH huyện Châu Thành để làm việc nên mất nhiều thời gian, chi phí đi lại. Kể từ năm 2021, công ty đã thực hiện phương thức giao dịch điện tử, cán bộ phụ trách chỉ cần ngồi tại nơi làm việc thực hiện các thao tác khai báo với cơ quan BHXH. Trong thời gian rất ngắn, các thủ tục liên quan đã được hoàn tất, giảm bớt chi phí phát sinh.

    Cùng với đó, BHXH tỉnh đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn đăng ký, cài đặt ứng dụng VssID (BHXH số) cho người dân trên nền tảng thiết bị di động cá nhân; hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục hành chính. Hiện ứng dụng có nhiều tính năng, tiện ích phục vụ linh hoạt các nhu cầu thông tin thiết yếu của người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN như: Cung cấp các thông tin về thẻ BHYT; quá trình tham gia BHXH, BHTN, BHTN lao động - bệnh nghề nghiệp, BHYT; thông tin hưởng các chế độ một lần (ốm đau, thai sản); sổ khám, chữa bệnh cung cấp lịch sử khám, chữa bệnh BHYT của người tham gia... Đáng chú ý, từ ngày 01/6/2021, người dùng ứng dụng VssID còn có thể sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng khi đi khám chữa bệnh thay thế cho việc sử dụng thẻ BHYT giấy. Việc triển khai này được coi là bước đi thực sự phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính và chuyển đổi số của ngành BHXH, mang lại những lợi ích thiết thực cho người tham gia BHYT và cơ sở KCB. Tính đến nay, toàn tỉnh có khoảng 79.048 người đăng ký sử dụng VssID có thể thực hiện giao dịch điện tử cá nhân trên Cổng dịch vụ công BHXH.

    Đặc biệt từ tháng 5/2022, các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh đã triển khai việc khám, chữa bệnh BHYT bằng thẻ CCCD gắn chíp đã giảm tối đa thủ tục khám, chữa bệnh cho người bệnh. Khi sử dụng ứng dụng này, người tham gia BHYT sẽ tiết kiệm được thời gian, không phải xuất trình thẻ BHYT giấy khi làm thủ tục khám, chữa bệnh, không lo lắng khi chẳng may quên thẻ BHYT giấy hoặc bị rách mờ, mất chưa kịp làm lại... Đồng thời, với những người sử dụng ứng dụng này, các cơ sở KCB cũng thực hiện các thủ tục KCB BHYT nhanh chóng, thuận lợi hơn do đã được cập nhật đồng bộ nhiều thông tin lưu sẵn...

    Tính đến cuối tháng 9/2022, toàn tỉnh đã có 138/138 cơ sở KCB BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD với 28.251 lượt tra cứu. Bà Nguyễn Ngọc Ánh ở Phường 3, thành phố Sóc Trăng cho biết: Với việc KCB BHYT CCCD gắn chíp thay cho thẻ BHYT, đem lại nhiều tiện ích cho người dân khi tiết kiệm được thời gian làm thủ tục đăng ký KCB (do không phải xuất trình thẻ BHYT giấy, không phải làm thủ tục xin cấp lại trong trường hợp mất hoặc thẻ rách, hỏng, hết hạn...

    Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngân - Trưởng Phòng Công nghệ thông tin BHXH tỉnh cho biết: Với kết quả đã đạt được, thời gian tới BHXH tỉnh Sóc Trăng tiếp tục nỗ lực triển khai các nhiệm vụ ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của ngành để phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; tiếp tục truyền thông rộng rãi về công tác chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người tiếp cận, ứng dụng các tiện ích; chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực công tác được giao tại Đề án 06 theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam, của Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh; phối hợp các sở, ngành liên quan về thực hiện đối với 04/25 DVC thiết yếu liên quan nhiệm vụ được giao cho ngành BHXH; tiếp tục đôn đốc 100% cơ sở KCB BHYT trên địa bàn tỉnh triển khai, tiếp nhận sử dụng CCCD gắn chíp trong KCB BHYT; phối hợp ngành công an trong công tác chia sẻ cơ sở dữ liệu (CSDL), qua đó BHXH tỉnh kịp thời cập nhật thông tin CCCD/định danh cá nhân của người tham gia vào CSDL ngành BHXH phấn đấu đạt chỉ tiêu đề ra; xác thực CSDL ngành BHXH với CSDL về dân cư; điều chỉnh, bổ sung kịp thời thông tin của người tham gia để làm giàu, làm sạch CSDL ngành và kết nối, tích hợp các DVC trực tuyến.

    Có thể nói, với vị trí thứ 3 trong Bảng xếp hạng các bộ, ngành có cung cấp dịch vụ công (năm 2021), BHXH Việt Nam nói chung, BHXH tỉnh Sóc Trăng nói riêng tiếp tục khẳng định sự quyết tâm, nỗ lực của toàn ngành trong công tác cải cách TTHC, ứng dụng CNTT, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, đem lại sự hài lòng cho các tổ chức và cá nhân khi tham gia giao dịch với cơ quan BHXH, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu chuyển đổi số quốc gia.

Phương Anh



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 62
  • Hôm nay: 7993
  • Trong tuần: 78,700
  • Tất cả: 11,802,020